Tượng đài Bác Hồ ở các nước trên thế giới

Tượng Bác Hồ ở nước Nga

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường
mang tên Người ở thủ đô Matxcơva – Liên bang Nga

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người tại Matxcơva là một công trình điêu khắc đẹp, giàu ý tưởng, ý nghĩa. Cuối năm 1969, sau khi Bác từ trần, khu Công viên Akademichexki rộng hơn 1 ha được đổi tên thành Quảng trường Hồ Chí Minh và một hòn đá đầu tiên được đặt tại vị trí để chuẩn bị cho việc dựng tượng. Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô nước Nga có vị trí đắc địa, giao điểm của đại lộ Đmitria Ulianôpva và đại lộ 60 năm Tháng Mười, xung quanh là những ngôi nhà cổ và nhà bằng gạch cao từ 8 đến 10 tầng, không che khuất tầm nhìn.

Nghệ sĩ điêu khắc Nhân dân Liên Xô (Liên bang Nga) Vladimir Efimovich Tsigal, người được vinh dự nhận giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia, viện sĩ Viện Hàn lâm mỹ thuật Liên Xô (sinh năm 1917) được chọn là tác giả thể hiện tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, ông đã tạo ra bản phác thảo đầu tiên: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư thế đứng, tay đặt trên quyển sách, tượng trưng cho những tác phẩm của Mác và Lênin. Nhưng ông vẫn còn băn khoăn nhiều vì cảm thấy pho tượng hao hao giống như nhiều pho tượng danh nhân khác. Năm 1985, ông quyết định sang Việt Nam để tìm hiểu. Sau hành trình xuyên Việt, Vladimir Efimovich Tsigal đã tìm ra “đáp án”.

Năm 1990, đúng vào năm UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc – Danh nhân văn hóa kiệt xuất thì tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người ở thủ đô Matxcơva – Liên bang Nga khánh thành. Tượng – nhưng thực ra là một bức phù điêu đồng lớn hình khối, cao 5m, nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phù điêu được đặt trên bệ cũng bằng đồng khối có chiều dài 6m, dày nửa mét; diện tích khuôn viên là 676m2, có 3 chiếu nghỉ và 8 bậc thang rộng được khánh thành. Hàng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng Nga, khắc sâu vào mặt trước của tượng đài, cách vài ba trăm mét vẫn có thể đọc được. Trước nhà số 1/24 và số 2/22 của hai phố Đmitria Ulianôpva và phố Công đoàn đều có hai tấm bảng bằng đá khổ 1m x 1m20 ghi rõ “Quảng trường Hồ Chí Minh” và tóm tắt thân thế và sự nghiệp của Người.

Tượng đài Bác Hồ ở Pháp

Từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Việt Nam bị Pháp đô hộ. Từ hai chiến tuyến, sau này, mối quan hệ của hai quốc gia được cải thiện và tốt đẹp lên. Các di tích trên nước Pháp gắn với những tháng năm hoạt động của Hồ Chủ tịch được người Pháp gìn giữ, tôn tạo. Tại Bảo tàng Lịch sử Sống thuộc thành phố Montreuil, tượng đài Hồ Chủ tịch cũng đã được dựng năm 2005.

Tượng Hồ Chủ tịch tại bảo tàng sống Montreuil

Ngày 19-5-2005, chính quyền thành phố Montreuil (Pháp) đã dựng tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở “Không gian Hồ Chí Minh” nằm trong Bảo tàng Lịch sử Sống Montreuil. Vị trí đặt tượng Bác Hồ là khu vực mà khách tham quan khi tới công viên đều dễ dàng nhận thấy.

Tượng Hồ Chủ tịch dựa theo mẫu của nhà điêu khắc nổi tiếng Trần Văn Lắm. Đây cũng là pho tượng Hồ Chủ tịch duy nhất đặt trên nước Pháp. Khuôn viên đặt tượng đài bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố trí rất hài hoà với nhiều cây xanh, những khóm tre, trúc, tạo nên một không gian bình dị nhưng mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Tượng Bác Hồ ở Cuba

 

Việt Nam – Cuba có mối quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ tốt đẹp giàu truyền thống cách mạng đó như được nhân thêm khi tại trung tâm Thủ đô La Habana của Cuba, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên trang trọng.

Tượng đài Hồ Chủ tịch ở Thủ đô La Habana Cuba.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vườn hoa trung tâm Thủ đô La Habana. Tượng đài Bác được dựng bán thân như chúng ta vẫn thường thấy ở các hội trường cơ quan của Đảng và Chính phủ Việt Nam: Tượng Bác mặc áo ka ki có hai túi ngực. Mỗi khi có sự kiện gắn với quan hệ hai nước Việt Nam – Cuba thì nơi đây đều được chọn là địa chỉ của các đoàn tới thăm viếng.

Tượng Bác Hồ ở Madagascar

Với quan hệ ngoại giao thân thiết, năm 2003, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên trang nghiêm giữa quảng trường mang tên Người tại Thủ đô Antananarivô của Madagascar.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Madagasca

Madagascar – quốc gia ở châu Phi này trước đây cũng từng là thuộc địa của Pháp như Việt Nam. Thế nên tình bạn giữa lãnh tụ cách mạng Madagascar Jean Ralaimongo và Bác Hồ thêm phần đặc biệt của những người chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng hoạt động tại Pháp

Bức tượng Bác Hồ ở Madagascar bằng đồng đặt trên bệ đá hoa cương, với tổng chiều cao 3,4m. Bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tượng được nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thiết kế năm 2001. Cùng với tượng đài Lênin, tượng đài Bác Hồ và tượng đài lãnh tụ Jean Ralaimongo trở thành biểu tượng cách mạng của Madagascar.

Tượng Bác Hồ tại Phillipines

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng
đoàn đại biểu dự lễ khánh thành tượng
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Asean (Philippin)

Tại Philippin có một công viên mang tên ASEAN. Ngày 27-10-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến đặt vòng hoa tại tượng đài Anh hùng dân tộc Jose Rizal và dự lễ khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên ASEAN. Việt Nam và Philippin đã thành lập Hội Hữu nghị Quốc tế giáo dục văn hóa Jose Rizal – Hồ Chí Minh. Đây là sáng kiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippin và Đại học Bách khoa Laguna nhằm đưa phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ra nước ngoài và nhằm góp phần tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Philipin. Mục đích của hội là để giáo dục và thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay và mai sau bằng trí tuệ kiệt xuất, ý chí kiên cường thể hiện lòng yêu đất nước, nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jose Rizal – hai vị anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại của Việt Nam và Philipin. Tại Philippin, có 4 tượng đài Hồ Chủ tịch được đặt cạnh tượng anh hùng dân tộc Philippin Jose Rizal.

Tượng Bác Hồ ở Ấn Độ

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ

Sinh thời, Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Ấn Độ, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, nuôi dưỡng và ngày càng đơm hoa kết trái. Ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại công viên nằm giữa giao điểm đường Hồ Chí Minh và đường Jawaharlal Nehru, ở thành phố Cancútta. Và tại Thủ đô Niu Đêli có một đại lộ mang tên Hồ Chí Minh.

Và nhiều nước khác

Trung Quốc là quốc gia láng giềng và từ xưa đến nay luôn có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Thời gian Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc khá dài. Di tích Nhà số 248 và 250 (trước là nhà số 13a và 13b) đường Văn Minh ngày nay còn lưu giữ nhiều hiện vật thời kỳ Bác tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước trong thời gian từ đầu 1926 đến tháng 4-1927. Một di tích quan trọng khác nữa gắn với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác được Trung Quốc gìn giữ là Khách sạn Nam Dương ở Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây). Bác Hồ đã ở đây từ cuối năm 1943 đến tháng 9-1944, sau khi ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng. Tại đây, Người đã triển khai nhiều hoạt động cách mạng Việt Nam, như mở lớp học đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội, tham dự Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Liễu Châu (3-1944). Hiện nay, khách sạn đã dành cả tầng 1 và 2 phòng trên tầng 2 để trưng bày tái hiện về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu và một số mốc chính trong quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh… Căn phòng Người đã ở và làm việc được trưng bày như nguyên gốc.

Thái Lan cũng là một trong những quốc châu Á mà Bác Hồ dừng chân hoạt động nhiều năm. Hiện nay, di tích Nhà Hợp tác tại bản Mạy, huyện Mương, tỉnh Nakhonphanom vẫn còn lưu giữ những hiện vật về thời kỳ hoạt động của Bác từ tháng 7-1928. Nhà Hợp tác ở bản Mạy là trạm liên lạc, đưa đón những người Việt Nam yêu nước. Tháng 1-2004, Thủ tướng hai nước Việt Nam – Thái Lan và các đại biểu dự Hội nghị liên Chính phủ Việt – Thái đã khai trương Làng Hữu nghị Việt – Thái ở bản Mạy, trong đó hạt nhân là di tích Nhà Hợp tác, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc. Tại đây có tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 1,1cm do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trao tặng ngày 12-10-2011.

Boo (st)

 

Bình luận về bài viết này