Âm mưu

“Thao quang dưỡng hối” là câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình, ý rằng Trung Quốc nên cúi đầu xuống để có lúc sẽ ngẩng đầu lên. Gần hai thập kỷ “chờ thời” đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, với lực lượng quân sự được hiện đại hoá một cách chóng mặt. Trong những năm đó, Trung Quốc đã tự giới hạn sức mạnh của mình với chính sách “trỗi dậy hoà bình” để tạo dựng niềm tin quốc tế, vừa không làm Mỹ cảm thấy bị thách thức, vừa làm yên lòng các láng giềng nhỏ yếu, trong khi vẫn tích luỹ đủ sức mạnh và nâng cao vị thế quốc gia. Quá trình theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hoà bình trên Biển Đông diễn ra từ năm 1997 cho đến khi Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) ra đời năm 2002, đã giúp khu vực tạm ổn định trở lại sau nhiều thập kỷ tranh chấp với nguy cơ chiến tranh chực chờ.
Tuy vậy, theo tác giả Taylor Fravel, học viện Công nghệ Massachusetts, mục đích chính của chiến lược này ở Biển Đông là giúp Bắc Kinh củng cố được các yêu sách chủ quyền của mình, đồng thời đe doạ các nước nhỏ hơn xung quanh không được thực thi các bước đi khẳng định chủ quyền của họ, bao gồm cả những dự án khai thác năng lượng mà không có sự tham gia của Trung Quốc.
Mặt khác, “chờ thời” cũng thể hiện thế yếu trong các tuyên bố pháp lý của Trung Quốc. Nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam Lưu Văn Lợi từng nhận xét rằng, từ phía Trung Quốc không có một quyển sách sử nào đề cập đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), cũng như chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Một biên khảo khác của TS Từ Đặng Minh Thu (đại học Sorbonne) đi đến kết luận, khác với chứng cớ của Việt Nam chứng minh được chủ quyền lịch sử trên hai vùng đảo này: khám phá (ít nhất là từ thế kỷ 15) và khẳng định liên tục (trong suốt thế kỷ 18 – qua sự khai thác và quản trị của hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều đình nhà Nguyễn) thì những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện rõ ràng một lộ trình như vậy, có chăng chỉ là tình cờ thấy hay khám phá thì cũng không đủ điều kiện để chứng minh việc “hành xử chủ quyền” trên những vùng đất đó.
Để bù cho sự yếu thế về pháp lý, Trung Quốc đã dùng sức mạnh quân sự mới nổi của mình để chèn ép các nước khác với mong muốn áp đặt trật tự ở Biển Đông. Nhưng chính sách “xoay trục” của Mỹ đã thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và khiến Trung Quốc rơi vào thế lưỡng nan khi sức mạnh quân sự của nước này vẫn chưa phải là mạnh nhất. Vừa không có cơ sở pháp lý vững chắc nhất, vừa không phải là kẻ mạnh nhất, Trung Quốc đã bớt ỷ sức, quay về với chiến lược sử dụng luật pháp quốc tế kết hợp với sức mạnh quân sự. Một mặt thì chủ trương giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình và từ chối sức mạnh của mình với Mỹ, mặt khác lại âm thầm sử dụng sức mạnh bằng chính sách “cây gậy nhỏ”, tiếp tục gặm nhấm các vùng chủ quyền của các nước nhỏ yếu với nhiều biện pháp khác nhau.
Nguyên nhân của sự hai mặt này chính là vì Trung Quốc không biết Mỹ sẽ làm gì và chính Trung Quốc cũng không biết mình sẽ làm gì. Dùng sức mạnh và chấp nhận nguy cơ đụng độ Mỹ rất lớn hay là nhường một phần lợi ích cho các nước nhỏ và sử dụng luật pháp để ngăn Mỹ can thiệp? Sức mạnh sẽ đem lại lợi ích, nhưng rủi ro luôn chực chờ khi Mỹ có thể can thiệp, bịt kín đường “vươn ra biển” và khoá chặt Trung Quốc giữa vòng vây các đồng minh. Trong khi nếu từ chối sức mạnh, sẽ phải tự từ bỏ một phần lợi ích mà khó lắm mới giành được, chưa kể việc cơ sở pháp lý yếu sẽ dẫn đến mất thêm một phần lợi ích, nhưng bù lại là Mỹ không thể can thiệp vào Biển Đông và Trung Quốc sẽ vẫn là người mạnh nhất. Rõ ràng Trung Quốc chẳng còn lựa chọn nào khác ngoại trừ tiếp tục sử dụng chính sách “cây gậy nhỏ” và “chờ thời” như trước đây để mong mỏi một cơ hội mà chính Trung Quốc cũng như các nước khác vẫn chưa biết rõ đó là gì!
Ngày 2-8-2012
Amari-TX

Bình luận về bài viết này